Tin tức & sự kiện

Cách ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả Máy tính nhiễm virus

12:08:5511/08/2018

Đa số người dùng máy tính đều đã từng gặp trường hợp, hệ thống bị các loại virus, phần mềm độc hại hay phần mềm gián điệp xâm nhập khiến máy chạy chậm, mất ổn định, gây tê liệt nhiều chương trình và thậm chí xóa dữ liệu trên hệ thống. Nếu người dùng nghi ngờ hệ thống bị nhiễm virus, thì có thể thực hiện các bước dưới đây để khắc phục, đồng thời tăng cường khả năng “phòng thủ” cho hệ thống để an toàn hơn trong tương lai.

1. Sử dụng Windows System Restore 
Đây là phương pháp đơn giản nhất để khôi phục lại máy tính về trạng thái trước khi bị nhiễm virus hoặc phần mềm độc hại, mà không cần bất kỳ thay đổi thiết lập nào, miễn là tính năng khôi phục hệ thống chưa bị virus vô hiệu hóa. Để khôi phục lại hệ thống, thực hiện như sau: Truy cập vào trình đơn Start>All Programs. Tiếp theo, truy cập đến mục Accessories>System Tools và kích vào tùy chọn System Restore. Trong cửa sổ mới hiển thị, bấm chọn mục Restore my computer to an earlier state, rồi chọn các điểm khôi phục với thời gian trước khi máy tính bị nhiễm virus trong danh sách và bấm Next. 

Cũng tại ô hiển thị sẽ có các thông tin có liên quan đến điểm khôi phục hệ thống, chúng ta cần đọc kỹ các thông tin đó rồi nhấn nút Next để khởi động lại máy tính và tiến hành khôi phục lại hệ thống. Sau khi quá trình khôi phục kết thúc, máy tính sẽ trở lại trạng thái ổn định như trước.
2. Dừng virus đang chạy trong nền 
Để tìm và diệt các loại virus lây nhiễm, bạn sẽ phải dùng một công cụ quét virus toàn bộ hệ thống. Nhưng trước khi thực hiện, cần phải chắc chắn rằng các loại virus vẫn chưa chạy ở chế độ nền. Nếu có, có thể bạn sẽ không phát hiện ra chúng bởi các loại virus sẽ có nhiều cách để tránh bị phát hiện.

Trong trường hợp đó, sẽ cần công cụ miễn phí Rkill, công cụ này có thể giúp ngăn chặn virus chạy trong chế độ nền.
Tuy nhiên, một số virus có thể ngăn chặn các chương trình như Rkill. Vì vậy, hãy thử đổi tên Rkill thành iexploređể đánh lừa virus, khiến cho chúng nghĩ rằng bạn đang chạy Internet Explorer thay vì phần mềm RKill. 
3. Loại bỏ virus 
Khi RKill đã dừng các virus chạy trong nền, bạn tải công cụ TDSSKiller, sử dụng để quét máy tính và kiểm tra các phần mềm độc hại. Sau khi quá trình quét kết thúc, nếu có bất kỳ mối đe dọa nguy hiểm nào ảnh hưởng đến hệ thống, bạn có thể sử dụng TDSSKiller để sửa lỗi hoặc xóa bỏ các phần mềm độc hại khỏi hệ thống, rồi khởi động lại máy tính của mình khi hoàn tất. 
Sau khi khởi động lại máy, chạy RKill một lần nữa để kiểm tra. Sau đó tải Dr. Web CureIt! về máy tính, chạy công cụ này để quét tìm phần mềm độc hại, trojan và các phần mềm gián điệp còn sót lại. Sau khi hoàn tất các công đoạn kể trên, có thể nói hệ thống của bạn đã hoàn toàn không còn virus, nhưng nếu vẫn muốn chắc chắn rằng máy tính của mình đã hoàn toàn thoát khỏi vấn nạn virus và phần mêm độc hại thì thực hiện các bước tiếp theo.
 
4. Sử dụng phần mềm diệt virus khác 
Bạn có thể sử dụng phần mềm như AdwCleaner để loại bỏ phần mềm quảng cáo khỏi hệ thống, Junkware Removal Tools để gỡ bỏ hoàn toàn các thanh công cụ không mong muốn. Trong khi đó phần mềm Malwarebytes sẽ giúp tìm kiếm kỹ các phần mềm độc hại hơn mà bạn nghi ngờ chúng vẫn còn nằm trong máy tính. Trước khi sử dụng bất kỳ phần mềm nào, hãy nhớ chạy RKill đầu tiên để dừng các hành vi của các loại virus. 
Ngoài ra, hãy nhớ thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu của phần mềm để có được những dữ liệu mới nhất về các loại virus trước khi bắt đầu quá trình quét. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu về virus sẽ đảm bảo cơ hội cao hơn trong việc phát hiện và xử lý các loại virus mới nhất. 
5. Bảo vệ máy tính bằng công cụ tường lửa 
Sau khi đã làm sạch máy tính của mình hoàn toàn, bạn nên thiết lập tường lửa để bảo vệ thêm cho hệ thống. Comodo Firewall là một trong những phần mềm tường lửa hàng đầu cho Windows, giúp bảo vệ máy tính khỏi các mối đe dọa, theo dõi các kết nối và đảm bảo kết nối được an toàn. 
Bằng cách này, mỗi khi cài đặt một phần mềm hoặc chạy một chương trình chúng sẽ được Comodo kiểm tra đầu tiên. Nếu Comodo có nghi ngờ sẽ đưa ra cảnh báo để bạn có thể loại bỏ hoặc tiếp tục sử dụng phần mềm. 
6. Kích hoạt tính năng System Restore 
Điều cuối cùng bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa thiệt hại dữ liệu trong tương lai đó là kích hoạt chức năng khôi phục hệ thống. Sử dụng một điểm khôi phục là thuận lợi bởi khi máy tính bị nhiễm virus hay phần mềm độc hại thì ngay lập tức có thể khôi phục lại hệ thống về trạng thái sạch sẽ và an toàn trước đó. Tin tốt là bạn có thể tạo ra một điểm khôi phục của hệ thống bất cứ khi nào mà mình muốn, như sau khi đã làm sạch hệ thống. 
Để kích hoạt tính năng System Restore, bạn thực hiện như sau: Truy cập vào menu Start>Run. Trong hộp thoại Run xuất hiện, nhập lệnh gpedit.msc và nhấn Enter. Cửa sổ Group Policy Folder sẽ hiển thị, bạn bấm chọn mục Computer Configuration ở cột bên trái. Tiếp đến truy cập vào Administrative Template>System và kích đúp vào mục System Restore ở cột bên phải. Sang hộp thoại mới, bạn kích đúp vào mục Turn Off System Restore trong cửa sổ bên phải, rồi kích tùy chọn Disable và sau đó bấm nút OK. Quay trở lại mục System Restore, tiếp tục kích đúp vào mục Turn Off Configuration, sau đó kích vào tùy chọn Not configured, sau đó nhấn OK. Sau khi thực hiện xong bạn khởi động lại máy tính của mình để áp dụng. 
Khi tính năng System Restore đã được kích hoạt, bạn nên lưu ý, mỗi khi chạy Windows update, hệ thống sẽ tự động tạo ra một điểm khôi phục trước khi máy tính bắt đầu cài đặt bản cập nhật. Bằng cách này, nếu quá trình cập nhật có gì sai sót, bạn có thể khôi phục lại hệ thống từ điểm khôi phục trước đó.